Sản xuất hàng loạt là gì? Quy trình sản xuất hàng loạt
Sản xuất hàng loạt là gì? Nghe câu hỏi chúng ta cũng có thể mường tượng ra đây là một hình thức sản xuất với số lượng lớn. Để các bạn hiểu hơn về sản xuất hàng loạt là gì? Thì qua bài này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những ưu nhược điểm và quy trình của chúng nhé.
1. Sản xuất hàng loạt là gì?
Sản xuất hàng loạt là một mô hình sản xuất có tính liên tục với số lượng hàng hóa ở quy mô lớn. Sản xuất hàng loạt sử dụng các công nghệ tự động hóa, dây chuyền lắp ráp,.. để sản xuất đồng nhất các sản phẩm đã được tiêu chuẩn hóa.
Sản xuất hàng loạt là loại hình trung gian giữa hai mô hình là sản xuất đơn chiếc và sản xuất hàng khối. Hình thức sản xuất của mô hình này là phân loại theo số lượng sản phẩm sản xuất và có tính chất lặp lại.
“Ford Motor Company” – Đây là công ty đầu tiên tiên phong áp dụng phương thức sản xuất hàng loạt với sản phẩm là chiếc xe Ford Model T. Theo thống kê của doanh nghiệp thì phương thức này đã giúp giảm thời gian sản xuất từ 12 xuống còn 2 giờ 30p. Từ đó giá thành sản phẩm cũng được giảm xuống từ 850 USD xuống còn 300 USD.
2. Các sản phẩm phù hợp với sản xuất hàng loạt
Để áp dụng phương thức sản xuất hàng loạt thì các sản phẩm phải có những đặc điểm như sau:
- Sản lượng cần sản xuất có khối lượng lớn và ổn định.
- Sản phẩm có sự đồng nhất hoặc chỉ có sự khác biệt nhỏ.
- Các bộ phận sản phẩm được tiêu chuẩn hóa, dù là sản phẩm có kết cấu đơn giản hay phức tạp.
- Sản phẩm có nhu cầu thị trường cao và dài hạn.
Một vài sản phẩm phù hợp với sản xuất hàng loạt là:
- Sản xuất xe máy, xe đạp, xe hơi, máy bay, tàu thủy,…
- Sản xuất thời trang: quần áo, giày dép, túi xách, mũ nón,…
- Sản xuất các thiết bị điện tử: điện thoại, máy tính, tivi, tủ lạnh, máy giặt,…
- Sản xuất đồ gỗ, nội thất,…
- Sản xuất thiết bị cơ khí, y tế, quân sự,…
3. Ưu điểm của sản xuất hàng loạt
Giảm chi phí sản xuất
Sản xuất hàng loạt giúp khai thác tối đa công suất máy móc, tiết kiệm nguyên vật liệu từ đó giảm chi phí đầu tư. Sản xuất hàng loạt ít sử dụng công nhân hơn giảm bớt chi phí lao động.
Tăng năng suất sản xuất
Sản xuất hàng loạt giúp tận dụng tối đa thời gian và lao động nhờ việc sử dụng các quy trình tự động hóa và liên tục. Các máy móc, thiết bị có thể thực hiện các thao tác điều chỉnh và chuyển đổi để tăng tốc sản xuất.
Đảm bảo chất lượng sản phẩm
Sản phẩm được sản xuất hàng loạt áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn hóa, các bộ phận và thành phẩm được kiểm tra chặt chẽ. Việc sử dụng các máy móc có độ chính xác cao giúp sản phẩm hạn chế được những sai sót.
Tăng cạnh tranh và thị phần
Sản xuất hàng loạt giúp doanh nghiệp đảm bảo về số lượng hàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Các sản phẩm cũng giảm bớt được giá thành khi bán ra thị trường.
Hai yếu tố này giúp các sản phẩm bán ra có được lợi thế cạnh tranh tốt hơn, sản phẩm được phân phối và tiếp thị nhanh chóng.
4. Các hạn chế của sản xuất hàng loạt
Giảm tính linh hoạt
Trong quy trình sản xuất hàng loạt, các máy móc trong dây chuyền lắp ráp được thiết lập và điều chỉnh theo một thông số cố định.
Việc này khiến cho việc thích ứng với nhu cầu thị trường hay kết cấu sản phẩm và các công nghệ mới trở nên khó khăn hơn.
Để hạn chế điều này, doanh nghiệp có thể sử dụng các loại máy móc và thiết bị đa năng có thể chỉnh thông số theo từng loại sản phẩm.
Tăng tác động môi trường
Để sản xuất ra các sản phẩm hàng loạt cần nhiều nguyên liệu, năng lượng, điều này đi kèm với việc tạo ra nhiều chất thải và ô nhiễm trong môi trường.
Để hạn chế điều này, việc ưu tiên các nguyên liệu có thể tái chế, tái sử dụng là biện pháp tốt nhất. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường trong sản xuất.
Thiếu tính sáng tạo
Các sản phẩm sản xuất đồng loạt đều có điểm chung là: sản phẩm tiêu chuẩn hóa, đồng nhất và ít sự đa dạng. Điều này làm mất đi sự đổi mới và cải tiến trong sản phẩm, khiến khách hàng dễ bị nhàm chán.
Để thay đổi, doanh nghiệp có thể tạo ra các sản phẩm biến thể về màu sắc, kích thước, hình dạng hay tính năng cho sản phẩm.
5. Quy trình sản xuất hàng loạt
Quy trình sản xuất hàng loạt được áp dụng nhiều nguyên tắc chuyên môn hóa và tiêu chuẩn hóa các bộ phận. Quy trình diễn ra bao gồm các bước sau:
- Thiết kế sản phẩm: Xác định kết cấu, hình dạng, kích thước, màu sắc, chất liệu, tính năng, yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm.
- Lên kế hoạch sản xuất: bao gồm các bước xác định số lượng, thời gian sản xuất, phương pháp sản xuất, các thiết bị máy móc sản xuất, nguồn nguyên vật liệu và nhân lực cần thiết.
- Chuẩn bị nguyên vật liệu: lên kế hoạch mua nguyên vật liệu, nhập kho và kiểm tra, sau đó chuyển nguyên vật liệu đến các bộ phận sản xuất.
- Gia công chế biến: là quá trình sử dụng các máy móc thiết bị và công nghệ để chuyển các nguyên vật liệu thành các thành phần hoặc bán thành phẩm của sản phẩm
- Lắp ráp: Sau khi có được các thành phần và các bán thành phẩm của sản phẩm, thì ở bước này sẽ kết hợp chúng thành một sản phẩm hoàn chỉnh.
- Kiểm tra chất lượng: đây là bước kiểm tra chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn cuối cùng trước khi đưa sản phẩm đến với người dùng.
- Đóng gói và vận chuyển: Là bước đóng gói sản phẩm và vận chuyển đến các điểm tiêu dùng theo yêu cầu của khách hàng.
>>> Xem thêm: Sản xuất theo đơn đặt hàng là gì?
Nhận xét
Đăng nhận xét